You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

DUYLINH

DUYLINH
ADMIN_Vì Sự Nghiệp cống Hiến Diến Đàn
ADMIN_Vì Sự Nghiệp cống Hiến Diến Đàn
(QT) -
Sau lời đề nghị chân thành của chúng tôi, cựu chiến binh Phan Thanh
Linh, nguyên là chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam ở Lào hồi tưởng lại
những sự kiện khó quên, những kỷ niệm sâu sắc nhất trong những năm tháng
cầm súng chiến đấu vào sinh ra tử trên chiến trường Trung Lào để diệt
phỉ Vàng Pao, bảo vệ dân Lào. Với dòng ký ức tuôn trào, anh hào hứng sôi
nổi dẫn dắt người nghe đi vào câu chuyện

Như các anh đã biết, năm 1979 quân Khơ Me Đỏ bị quân dân Campuchia với
sự giúp đỡ vô tư, quý giá của quân tình nguyện Việt Nam đánh tan thì một
bộ phận tàn quân Pôn Pốt chạy trốn sang Lào gia nhập vào đội ngũ thổ
phỉ Vàng Pao tiếp tục quấy nhiễu, giết chóc những người dân Lào và dân
Việt Nam hiền lành, lương thiện đang sinh sống trên đất nước Triệu Voi,
nhất là ở các vùng biên giới Việt - Lào.

Việt Nam Lào Diệt phỉ Vàng Pao, bảo vệ dân Lào  Dfdfdfdfdfdfdfdfdfdfdfdfdfdfdfdfdfdfdfdfdfdf5dfffffffffffffffffffffffffff32qsafdfut876867867867867
Liên quân chiến đấu Lào- Việt trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào- Ảnh: TL


Tôi gia nhập đội quân tình nguyện tháng 8/1980 thuộc đơn vị C5, D8, E30,
F968, là sư đoàn làm nhiệm vụ quốc tế cao cả ở nước bạn Lào. Đơn vị tôi
đóng quân gần bản Mày và Na Kè, cách thị trấn Đồng Hến, tỉnh
Savannakhet 15 km. Chúng tôi vừa xây dựng doanh trại vừa chiến đấu chống
bọn thổ phỉ thường xuyên rình rập, tập kích đánh lén và giết hại dân
thường vô tội. Vừa hành quân sang nước bạn Lào được 9 ngày, đơn vị chúng
tôi đã nhận nhiệm vụ truy lùng, tiêu diệt thổ phỉ Vàng Pao cùng tàn
quân Khơ Me Đỏ đang hoành hành đốt, cướp, giết, hiếp trên vùng rừng rậm
bao la, hẻo lánh. Đơn vị chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ:
không ai biết tiếng Lào thành thạo, không thông thuộc địa hình, địa vật,
đường đi lối lại giữa vùng rừng nú i bạt ngàn, hoang vu, khí hậu mùa
khô ở Lào rất khắc nghiệt, nắng nóng oi bức, thiếu nước ngọt trầm trọng;
công tác hậu cần vận chuyển tiếp tế gặp nhiều trở ngại khó khăn. Thấm
nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó
vạn lần dân liệu cũng xong”, đơn vị chúng tôi đã đẩy mạnh, tăng cường
công tác dân vận trong nhân dân các bộ tộc Lào và đồng bào Việt sinh
sống ở đây. Từ đó chúng tôi đã liên lạc, phối hợp chiến đấu cùng một số
đơn vị du kích Lào mới được thành lập trong vùng.

Tôi nhớ mãi một du kích Lào là anh Bun Hơn ở bản Na Kè, xã Na Thon,
huyện Đồng Hến có vợ vừa sinh con chưa tròn tháng cũng đã thường xuyên
làm liên lạc dẫn đường cho đơn vị tôi vượt núi, băng rừng, đi tắt, đón
đầu để mai phục, tập kích bất ngờ tiêu diệt lũ phỉ Vàng Pao- Pôn Pốt ở
Savannakhet trong những năm 80 của thế kỷ XX. Anh có dáng người tầm
thước, nước da bánh mật, đôi mắt tinh nhanh, đôi tai thính nhạy lại
thông thuộc địa hình, địa bàn đường đi lối lại như thuộc lòng bàn tay
nên hoàn thành rất tốt nhiệm vụ giao liên dẫn đường cho đơn vị tôi phát
hiện, truy lùng, tìm diệt bọn thổ phỉ, ngăn chặn hành động tội ác của
bọn chúng. Với sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của du kích cùng người dân
Lào và Việt kiều, đơn vị chúng tôi đã loại trừ, bắt sống, gọi hàng hàng
ngàn tên phỉ Vàng Pao, tàn quân Khơ Me Đỏ, cứu sống và giải phóng hàng
vạn người dân lương thiện thuộc các bộ tộc Lào Lum, Lào Thơng, Lào Cang
và Việt kiều sinh sống lâu năm ở Lào.

Tâm khảm tôi luôn khắc ghi kỷ niệm sâu đậm, không bao giờ phai nhạt với
đơn vị du kích Lào, trong đó có anh Đào Hương. Hôm ấy giữa mùa hè năm
1981, vùng Trung Lào đang vào mùa khô hạn, nắng nóng như thiêu như đốt,
tất cả các khe suối vùng này đều khô cạn nước. Cái nóng bức, mệt nhọc,
nhất là cái đói, cái khát làm đơn vị chúng tôi được anh Đào Hương dẫn
đường đang kiệt sức trên đường truy lùng, tìm diệt lũ phỉ Vàng Pao vừa
gây tội ác dã man ở các bản Chi La Mông, Na Kè, Na Thon, Kờ Long...
huyện Đồng Hến. Chúng tôi tạm dừng chân giữa rừng cỏ le khô cháy. Anh
Đào Hương dẫn chúng tôi đi tìm nước để nấu cơm. Dưới cái nắng gay gắt,
chúng tôi tỏa đi khắp nơi mà vẫn không tìm thấy nước. Đang trong cơn đói
lả, khát cháy họng, nhiều người đã thở dài tuyệt vọng thì bỗng có ám
hiệu “đã tìm thấy nước” của anh Đào Hương. Quên cả đói khát, mệt nhọc
chúng tôi vội vàng chạy đến một dòng suối sâu đã khô cạn nước nhưng còn
sót lại cái hố trâu đầm với vũng nước bùn đục ngầu, thum thủm mùi nước
đái và phân trâu. Trong hoàn cảnh cực kỳ khắc nghiệt có một không hai
ấy, chúng tôi đành gạn bớt bùn phân lấy nước để nấu cơm ăn, nước uống
cho đơn vị. Khi cơm chín với màu nâu đỏ, chúng tôi phải gạt bỏ lớp cơm
dính bùn đen trên mặt và dưới đáy nồi rồi chia nhau ăn lớp cơm giữa nồi
đầy mùi hôi thối. Vừa bịt mũi nhai cơm tôi vừa mỉm cười hỏi Đào Hương:

- Xẹp bò? (Ngon không?)

Anh vui vẻ trả lời:

- Xẹp lai! (Ngon lắm!)

Thế là mọi người bật lên tiếng cười lạc quan yêu đời để vượt qua bao khó khăn gian khổ, hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ.

Ngay sau bữa cơm nhớ đời ấy, đơn vị tôi cấp tốc hành quân, truy lùng,
tìm diệt, bức hàng mấy toán phỉ Vàng Pao ở xã Na Thon, huyện Đồng Hến.
Tôi cùng đơn vị vào bản Na Kè để tiếp tục phục kích, truy lùng. Khi bước
vào ngôi nhà trong bản, chúng tôi gặp một cô gái Lào đang buồn rầu, lo
âu bên cạnh người anh trai đang ốm rất nặng, lâu ngày chẳng có thuốc men
chạy chữa đành phó mặc cho số phận. Sau khi hỏi han, làm quen chúng tôi
mới biết cô tên là là Sao Nang, mồ côi cả cha lẫn mẹ, hiện ở với người
anh đang ốm nặng. Tôi hỏi cô Sao Nang:

- Anh cô ốm đã lâu chưa? Có thuốc men gì để uống không?

Vừa hỏi tôi vừa sờ tay lên trán, lên ngực người bệnh thấy rất nóng, biết
anh đang bị sốt rét nặng có thể tử vong nhưng không có thuốc gì để
uống. Ngay lập tức tôi mở ba lô lấy cơ số thuốc ký kinh mà đơn vị cấp
cho khi đi chiến đấu ở vùng rừng thiêng nước độc để đưa cho anh uống.
Đến chiều tối anh đỡ bệnh giảm sốt ngay. Qua ngày hôm sau thì đã đứng
dậy đi lại được. Hai anh em Sao Nang vô cùng xúc động, biết ơn những anh
bộ đội Cụ Hồ tình nguyện sang Lào diệt phỉ Vàng Pao, cứu sống dân Lào.
Tối hôm đó dân bản Na Kè, xã Na Thon đã tập trung đến nhà Sao Nang để
chúc mừng và cảm ơn những chiến sĩ Việt Nam nặng tình, nặng nghĩa đã
thật sự thương yêu người Lào như anh em ruột thịt một nhà.

Hơn 30 năm đã trôi qua nhưng mỗi lần hồi tưởng lại những kỷ niệm sâu sắc
về những năm tháng làm quân tình nguyện vào sinh ra tử trên các chiến
trường Lào để diệt trừ phỉ Vàng Pao, tàn quân Pôn Pốt, bảo vệ tính mạng,
tài sản, giữ gìn cuộc sống yên bình, hạnh phúc cho nhân dân Lào, chúng
tôi chân thành biết ơn, khắc sâu hình ảnh nhiều chiến sĩ du kích và
người dân Lào như anh Bun Hơn, Đào Hương, anh em cô Sao Nang, Sao
Khiêng, cùng biết bao người dân Lào lương thiện, hiền lành khác đã chia
ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, giúp đỡ đùm bọc chúng tôi trong những
trận chiến ác liệt sống chết với kẻ thù chung. Chúng tôi lại càng thấm
thía sâu sắc bài thơ về tình nghĩa Việt - Lào cao cả rất cô đọng, súc
tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: “Thương nhau mấy núi cũng trèo/
Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua/ Việt Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu
như nước Hồng Hà, Cửu Long”.

NGUYỄN XUÂN PHÙNG

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết