You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

DUYLINH

DUYLINH
ADMIN_Vì Sự Nghiệp cống Hiến Diến Đàn
ADMIN_Vì Sự Nghiệp cống Hiến Diến Đàn
(QT)
- Từ khi Đảng Nhân dân cách mạng Lào được thành lập năm 1955, dưới sự
lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước, mối quan hệ Việt Nam - Lào, Lào -
Việt Nam càng được phát huy mạnh mẽ và biểu hiện hết sức sinh động trên
tất cả các lĩnh vực, không ngừng nâng cao theo sự phát triển của phong
trào cách mạng của hai nước. Trong những lúc cam go, gian khổ nhất, cán
bộ, đảng viên, quân và dân hai dân tộc vẫn sát cánh bên nhau với nghĩa
tình “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp
cách mạng chung và vì nền độc lập, tự do của mỗi nước.


Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, theo yêu cầu của Chính phủ Kháng chiến Lào,
Đảng và Nhà nước Việt Nam quyết định để lại một bộ phận chuyên gia tiếp
tục giúp đỡ cách mạng Lào. Đây là lực lượng rất quan trọng đối với cách
mạng Lào sau ngày đình chiến. Sau khi Chính phủ liên hiệp Lào lần thứ
nhất được thành lập, Việt Nam đã nhận đào tạo 330 cán bộ của Pa thét
Lào, nhằm chuẩn bị lực lượng cho phong trào cách mạng cả nước. Mặc dù
Chính phủ liên hiệp với mục tiêu đem lại hòa bình cho nước Lào đã được
thành lập nhưng đế quốc Mỹ và tay sai vẫn ra sức thi hành chính sách
khủng bố đối với cán bộ cách mạng và những người có tư tưởng hòa bình,
tiến bộ. Nhiều cán bộ và thường dân Lào ở các tỉnh biên giới chạy sang
Việt Nam lánh nạn.

Tại Quảng Trị, khi Tỉnh ủy Savannakhet phải sang đóng ở A Vao (Hướng
Hóa), được Tỉnh ủy Quảng Trị, nhân dân các dân tộc Hướng Hóa bảo vệ,
cung cấp lương thực, thực phẩm suốt trong thời gian lực lượng Pa thét
Lào bị bọn phản động Phu Mi và Cà Tày (thân Mỹ) trở mặt phá bỏ Hiệp định
Giơ-ne-vơ, truy lùng, khủng bố. Quảng Trị đã trở thành căn cứ địa, hậu
phương vững chắc của tỉnh bạn. Ở Thái Nguyên, trong lúc tình hình kinh
tế còn rất nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, học sinh Lào ở đây vẫn được
cung cấp đủ tiêu chuẩn phụ cấp. Những việc làm tình nghĩa này càng làm
cho quan hệ vừa là đồng chí vừa là anh em giữa hai Đảng, hai dân tộc
thêm keo sơn, gắn bó.

Về quân sự, Việt Nam không chỉ sát cánh bên bạn trong thời kỳ đầu củng
cố, phát triển lực lượng, xây dựng hậu cứ, cung cấp vũ khí, quân trang
mà còn phối hợp với bộ đội Pa thét Lào đánh địch giành thắng lợi oanh
liệt. Đi đôi với tác chiến, các đơn vị tình nguyện Việt Nam đã tích cực
giúp Lào củng cố cơ sở, phát động nhân dân ủng hộ kháng chiến, tham gia
các lực lượng dân quân tự vệ chiến đấu bảo vệ vùng mới giải phóng.

Khi cuộc kháng chiến của hai dân tộc ngày càng phát triển, các trận đánh
phối hợp giữa quân tình nguyện Việt Nam với bộ đội Pa thét Lào ngày
càng có quy mô lớn hơn, nhịp nhàng và chặt chẽ hơn. Cuối năm 1960, quân
tình nguyện Việt Nam phối hợp với bạn giải phóng cánh đồng Chum, Xiêng
Khoảng, nối liền với Sầm Nưa, tạo căn cứ địa vững chắc để Chính phủ hợp
pháp của Hoàng thân Xuvănna Phuma đặt trụ sở chính thức ở Khăng Khay
(Xiêng Khoảng).

Trước tình hình đế quốc Mỹ đánh phá vùng giải phóng Lào quyết liệt, đồng
thời mở các chiến dịch ngăn chặn, cắt đứt tuyến đường Hồ Chí Minh; dưới
sự lãnh đạo của hai Đảng, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại
Lào không quản gian khổ, hy sinh chiến đấu anh dũng, kiên cường cùng
quân, dân Lào bảo vệ vùng giải phóng, tuyến hành lang chiến lược và mở
các chiến dịch tấn công địch giành thắng lợi to lớn. Có những cuộc chiến
đấu diễn ra gay go, ác liệt, lực lượng tuy mỏng nhưng quân tình nguyện
Việt Nam vẫn đặt lên trên hết nhiệm vụ bảo vệ nhân dân các bộ tộc Lào.

Trong bom đạn ác liệt, bộ đội tình nguyện đã chiến đấu quên mình, giúp
đỡ nhân dân, nhường áo xẻ cơm, sẵn sàng xông pha vào những nơi nguy hiểm
để bảo vệ nhân dân. Ở xưởng may của tỉnh Xiêng Khoảng, khi địch càn đến
gần, anh chị em công nhân được lệnh di chuyển nhưng có chị tàn tật
không đi được phải bò vào rừng lánh nạn.

Biết tin đó, tổ công tác của Trung đoàn 866 quân tình nguyện Việt Nam đã
vào rừng tìm kiếm, cứu được chị đưa về nơi sơ tán an toàn. Trong những
ngày ác liệt này, bộ đội Việt Nam đã phối hợp với các cơ sở đảng, chính
quyền đưa hơn 16.000 dân và gia đình cán bộ sơ tán qua Mường Xén, Kỳ Sơn
(Nghệ An). Nhân dân Nghệ An nhiệt tình đón tiếp, nhường áo xẻ cơm, cùng
nhân dân Lào xây dựng nhà cửa, bệnh xá, trường học, ổn định cuộc sống
nơi sơ tán. Những tấm gương sáng, quên mình của bộ đội tình nguyện, sự
đón tiếp tận tình của nhân dân Nghệ An trong những ngày gian khó này đã
góp phần làm cho tình đoàn kết chiến đấu của quân dân Việt Nam - Lào
càng thêm keo sơn, gắn bó.

Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971 là minh chứng vô cùng sống động về
mối quan hệ Việt Nam - Lào thắm thiết, ruột thịt. Thực hiện quyết tâm
chiến lược của Trung ương Đảng hai nước, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của
các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, đồng bào các bản, làng, mường Việt
Nam và Lào trên địa bàn dự kiến sẽ diễn ra chiến dịch đã tham gia hết
sức hăng hái vào mọi công việc chuẩn bị.

Ngày ngày, trên khắp những nẻo đường hành quân, nhân dân Quảng Trị cùng
nhân dân các bộ tộc Lào không quản mưa rừng, thác lũ sát cánh cùng các
đơn vị bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong bạt núi, mở đường, đào đắp,
vận chuyển hàng vạn mét khối đất đá, xây dựng cầu cống; truy bắt lực
lượng thám báo địch bảo vệ sự an toàn và bí mật cho chiến dịch; tích cực
tham gia xây dựng các trận địa bắn máy bay và vận chuyển các loại vũ
khí, đạn dược, hàng hóa vào các vị trí tập kết đúng kế hoạch.

Những chàng trai, cô gái Vân kiều, Pa cô và các bộ tộc Lào cùng trang
lứa với sức trẻ và lòng nhiệt huyết cách mạng đã đưa năng suất gùi thồ
lên 90 - 100 kg mỗi chuyến. Nhiều người tuy sức khỏe yếu hay vừa chữa
lành vết thương vẫn xung phong đi phục vụ chiến dịch; có em nhỏ mới 13 -
14 tuổi đã tình nguyện đóng góp sức mình vào việc khuân vác, chặt cây
ngụy trang mặt đường, làm liên lạc... Một số đồng bào bị địch bắt, dụ
dỗ, mua chuộc hay tra tấn dã man vẫn kiên quyết không khai báo, sắt son
một lòng một dạ trung thành với cách mạng.

Khi chiến dịch diễn ra ác liệt, trước yêu cầu phục vụ chiến trường, bà
con dân tộc Việt Nam và Lào nơi đây tiếp tục tự nguyện phối hợp với các
lực lượng vận tải tham gia vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực
phẩm, thuốc men phục vụ bộ đội. Có những đoạn đường địch đánh phá dữ
dội suốt ngày đêm, nhưng từng đoàn người gùi lương, tải đạn vẫn không
ngừng tỏa đi các hướng về nơi bộ đội đang chờ. Nhiều nơi, đồng bào tự
nguyện chỉ ăn củ mài và rau rừng, dành cho các chiến sĩ những hạt gạo,
lát sắn, củ khoai cuối cùng để “ăn no mà đánh thắng giặc Mỹ”.

Từng đoàn dân công là con em các dân tộc ngày đêm gùi lương, tải đạn ra
chiến trường, rồi lại tham gia vận chuyển thương binh về tuyến sau.
Nhiều thôn, bản thành lập các đội đi tìm kiếm chôn cất cán bộ, chiến sĩ
hy sinh. Bom đạn địch chà xát, tàn phá nhà cửa, nương rẫy nhưng không
thể nào làm phai nhạt tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc, tình
quân dân thắm thiết, thủy chung. Đó là nhân tố làm nên chiến thắng Đường
9 - Nam Lào vang dội của quân và dân hai nước.

LÊ THỊ HỒNG

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết